Nếu làm trong lĩnh vực xưởng dịch vụ ô tô hay gara ô tô, bạn chắc hẳn đã biết đến mô hình nhượng quyền và một số chuỗi xưởng dịch vụ ô tô lớn hiện nay. Đây là một xu hướng mới giúp các thương hiệu về dịch vụ ô tô gia tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh ngày càng nhiều các gara được mở mới.
Vậy nhượng quyền thương hiệu xưởng dịch vụ ô tô là gì?
1. Nhượng quyền thương hiệu xưởng dịch vụ ô tô
Nhượng quyền thương hiệu xưởng dịch vụ ô tô, nhượng quyền thương hiệu gara ô tô hay nhượng quyền thương hiệu chăm sóc ô tô (cách gọi tùy thuộc vào phạm vi hoạt động nhượng quyền) là việc các doanh nghiệp (hay gara) khác nhau (sau đây gọi là gara nhượng quyền) cùng hoạt động dưới một thương hiệu chung do một doanh nghiệp khác thành lập và phát triển (sau đây gọi tắt là chủ thương hiệu). Tất nhiên, chủ thương hiệu và gara nhượng quyền sẽ phải thỏa thuận với nhau dưới dạng một hợp đồng kinh tế để đảm bảo các bên đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia vào chuỗi nhượng quyền. Chủ thương hiệu thông thường sẽ chịu trách nhiệm phát triển thương hiệu chung, làm truyền thông để kéo khách hàng đến các điểm nhượng quyền, chuyển giao kiến thức, đào tạo, cung cấp phụ tùng vật tư hoặc thậm chí cả nhân sự cho gara nhượng quyền. Chủ thương hiệu cũng có thể đưa ra các cam kết về doanh thu hoặc lợi nhuận với các gara nhượng quyền.
Ở chiều ngược lại, gara nhượng quyền sẽ phải trả cho chủ thương hiệu một khoản chi phí để được hưởng các lợi ích mà chủ thương hiệu sẽ đem lại hoặc cam kết mang lại cho mình. Mức chi phí phụ thuộc vào “gói dịch vụ” mà chủ thương hiệu cung cấp cũng như phụ thuộc vào độ mạnh của thương hiệu.
2. Lợi ích khi tham gia vào chuỗi nhượng quyền
Nếu bạn không có nhiều kiến thức về ngành nhưng vẫn muốn mở gara thì việc tham gia vào chuỗi nhượng quyền thương hiệu là một lựa chọn tốt. Nếu gara của bạn đang hoạt động nhưng bạn chưa hài lòng với doanh thu từ gara hoặc cần đảm bảo khả năng cạnh tranh hơn so với những đối thủ lân cận thì bạn cũng có thể cân nhắc việc tham gia vào chuỗi nhượng quyền thương hiệu.
Những lợi ích bạn sẽ có ngay lập tức mà không mất quá nhiều thời gian hay “học phí” để có được như:
- Có thương hiệu: xây dựng một thương hiệu gara sửa chữa ô tô uy tín không hề dễ và là cả một quá trình lâu dài. Khi tham gia chuỗi nhượng quyền thương hiệu, ngay lập tức gara của bạn sẽ được sử dụng thương hiệu của chủ thương hiệu để hoạt động kinh doanh.
- Có khách hàng: do đã có thương hiệu sẵn nên sẽ rất nhanh chóng bạn có được những khách hàng đầu tiên khi mới mở xưởng. Ngoài ra, nhờ các chương trình truyền thông liên tục mà gara của bạn sẽ có một lượng khách hàng tương đối ổn định. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là bạn sẽ không mất tiền làm truyền thông quảng cáo hay không phải tự triển khai các chiến lược phát triển kinh doanh, các chương trình bán hàng riêng.
- Có quy trình hoạt động: khi tham gia vào chuỗi nhượng quyền thương hiệu, bạn sẽ phải tuân thủ các quy định chung của chuỗi cũng như phải hoạt động theo các quy trình thống nhất trên toàn chuỗi. Bạn cũng không phải mất nhiều thời gian để lựa chọn phụ tùng vật tư hay nhà cung cấp vì hầu hết các vấn đề này sẽ được chủ thương hiệu xử lý cho bạn. Điều này sẽ mang lại lợi ích lớn cho gara của bạn, đặc biệt nếu làm chuyên môn chứ không phải việc quản trị mới là thế mạnh của bạn.
- Nâng cao khả năng cạnh tranh: các chuỗi nhượng quyền thương hiệu ngành ô tô thường tạo được sự tin tưởng và ấn tượng tốt trong con mắt khách hàng về chất lượng dịch vụ, do vậy, khách hàng có xu hướng sử dụng dịch vụ tại các chuỗi dịch vụ hơn là ở các gara đơn lẻ. Đặc biệt trong lĩnh vực sửa chữa ô tô ở Việt Nam, có khá nhiều gara riêng lẻ hoạt động chộp giật, làm ăn không uy tín đã tạo một sự lo lắng nhất định càng làm cho khách hàng muốn chọn chuỗi nhiều hơn.
3. Những nhược điểm của mô hình chuỗi nhượng quyền thương hiệu ngành ô tô
- Giới hạn quyền tự quyết: khi tham gia chuỗi nhượng quyền thương hiệu ô tô tức là bạn phải tuân thủ hàng loạt các quy định để đảm bảo sự thống nhất về hoạt động cũng như chất lượng trong toàn chuỗi. Việc này một mặt góp phần đảm bảo uy tín cho thương hiệu và đem đến nhiều khách hàng hơn cho bạn, nhưng mặt khác cũng khiến bạn mất đi rất nhiều khả năng tự quyết cho gara của mình một khi bạn muốn thực hiện sự thay đổi nào đó cho riêng mình. Bạn thậm chí phải sử dụng phần mềm quản lý do chủ hương hiệu cấp và chấp nhận chia sẻ mọi số liệu hoạt động của mình cho chủ thương hiệu. Nếu bạn là người nhiều ý tưởng và muốn tìm con đường riêng cho mình, sẽ thực sự khó nếu bạn vẫn thuộc một chuỗi nhượng quyền thương hiệu của người khác.
- Không được sở hữu thương hiệu: chắc chắn rồi, thương hiệu là tài sản được đảm bảo bằng pháp lý của chủ thương hiệu và bạn chỉ được sử dụng trong phạm vi mà hai bên đã thỏa thuận. Tất nhiên sẽ không là vấn đề gì lớn nếu thương hiệu vẫn được duy trì và phát triển ngày một lớn mạnh hơn. Nhưng nếu chính chủ thương hiệu gặp rủi ro trong kinh doanh hoặc thay đổi chính sách thì gara của bạn chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng và bạn sẽ không có nhiều quyền để quyết định cho các thay đổi đó.
- Hiệu ứng dây chuyền: nếu tất cả các gara nhượng quyền trong chuỗi đều hoạt động tốt và đảm bảo chất lượng chung thì hiệu ứng cho chuỗi là tốt, thương hiệu sẽ mạnh và bạn sẽ có khách hàng đều đều. Ngược lại, nếu một gara trong chuỗi gặp “phốt” thì gara của bạn cũng có thể bị ảnh hưởng tùy vào độ nghiêm trọng của của “phốt”. Tất nhiên, bộ phận truyền thông của chủ thương hiệu thường sẽ có sẵn các phương án xử lý khi rủi ro này xảy ra để giới hạn thiệt lại cho chuỗi của mình, do vậy, vấn đề này không thực sự quá nghiêm trọng.
- Chi phí: chi phí là một vấn đề không hề nhỏ khi bạn muốn tham gia vào một chuỗi nhượng quyền thương hiệu ô tô. Tùy thuộc vào quy mô xưởng của bạn và tùy thuộc vào “gói dịch vụ” nhượng quyền mà bạn chọn, chi phí ban đầu có thể từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Từ các năm sau, bạn sẽ vẫn phải trả một khoản phí nhất định để tiếp tục được sử dụng thương hiệu nhượng quyền. Rõ ràng nếu ngân sách của bạn không đủ lớn thì việc lựa chọn thương hiệu nhượng quyền để tham gia cũng không phải là một việc dễ dàng.
4. Những việc bạn vẫn phải làm khi tham gia vào chuỗi nhượng quyền thương hiệu
Tham gia vào chuỗi nhượng quyền không có nghĩa là bạn sẽ phó mặc toàn bộ hoạt động của xưởng cho chủ thương hiệu. Bạn sẽ vẫn phải chịu trách nhiệm chính trong vận hành xưởng, bao gồm các phần việc như:
- Quản lý toàn bộ hoạt động hàng ngày của xưởng: tất nhiên rồi, bạn là chủ của xưởng và sẽ vẫn phải điều hành toàn bộ hoạt động hàng ngày của xưởng
- Làm marketing và tổ chức kinh doanh riêng để kéo khách hàng tới xưởng của bạn: chủ thương hiệu sẽ có những hỗ trợ nhất định theo chiến lược phát triển của thương hiệu, nhưng bạn sẽ vẫn phải có nhân sự phụ trách và phải bỏ tiền ra để làm.
- Chăm sóc khách hàng: bạn vẫn phải tự xây dựng bộ phận chăm sóc khách hàng của riêng mình để thực việc chăm sóc thường xuyên và liên tục khách hàng của mình (tất nhiên nếu bạn muốn).
- Đào tạo, tuyển dụng: chủ thương hiệu có thể giúp bạn nhưng đây hầu hết là các dịch vụ phải trả phí. Tất nhiên, chi phí sẽ không hề ít và đôi khi bạn sẽ muốn tự làm hơn, tôi chắc chắn là vậy!
Qua bài viết này, hi vọng các bạn sẽ có thêm thông tin tham khảo cho quyết định có nên hay không nên tham gia một chuỗi nhượng quyền thương hiệu xưởng dịch vụ sửa chữa ô tô. Là một trong những đối tác uy tín cung cấp phần mềm quản trị dành cho các xưởng dịch vụ sửa chữa ô tô (phần mềm quản lý gara, phần mềm quản lý gara ô tô tốt nhất), carCRM cũng đồng thời là đối tác của nhiều chủ thương hiệu nhượng quyền có quy mô lớn ở Việt Nam. Nếu bạn cần trợ giúp, chúng tôi có thể kết nối tới các chuỗi thương hiệu này.
Bản quyền: vui lòng ghi rõ “Nguồn: gen.vn” khi trích dẫn lại bài viết này